Trường THCS Đức Chính hành động vì một môi trường không rác thải nhựa

Thực hiện công văn 1689/UBND ngày 6/8/2019 của UBND thị xã Đông Triều về việc hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa nhằm nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến hệ sinh tái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế xã hội, hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra.


            Thực hiện công văn 738/PGD&ĐT  V/v hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

            Rác thải nhựa đang trở thành vấn nạn, ngày càng ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, đe dọa sự phát triển vững của mỗi địa phương, quốc gia, của xã hội và cuộc sống trên trái đất. Phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm thì các chất thải từ nhựa và ni lông mới bị phân hủy. Chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc hại cho môi trường sống.

Chung tay bảo vệ môi trường

            Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, uớc tính mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất. Mỗi năm có đến 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra các đại dương. Đến năm 2030 có khoảng 300 triệu tấn rác thải trong đại dương, và có trên 240 loài sinh vật biển bị vướng phải rác thải nhựa hoặc ăn phải rác thải nhựa. Hiện có 05 quốc gia có rác thải nhựa lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Indonexia, Philippin, Việt Nam và Thái Lan, chiếm 55-60% tổng lượng rác thải nhựa ra đại dương.

             Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra ngày một tăng. Nguồn chất thải nhựa phát sinh chủ yếu từ sinh hoạt của các cá nhân, gia đình, doanh nghiệp… Theo báo cáo của Hiệp hội nhựa, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41kg/năm/người vào năm 2015. Bộ TN&MT ước tính, trung bình mỗi người sử dụng, thải bỏ 1 túi nilon/ngày, mỗi năm có khoảng hơn 31,4 tỉ túi nilon bị thải ra nhưng chỉ có khoảng 17% trong số này được tái sử dụng. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".

            Mới đây, ngày 25 tháng 4 năm 2019, thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư kêu gọi chung tay hành động vì một Việt Nam với môi trường trong lành, an toàn và phát triển bền vững, góp phần cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường.

            Tuy nhiên, việc loại bỏ chất thải nhựa và túi ni lông là không dễ dàng vì chúng ta chưa tìm được sản phẩm rẻ hơn, tiện dụng hơn để thay thế. Giá thành của mỗi chiếc túi nilon khá rẻ khiến cho việc tiêu thụ loại túi này ngày càng lớn. Túi nilon là vật dụng hết sức gần gũi với mọi người, mọi nhà. Việc sử dụng túi nilon đã thành thói quen của mỗi người vì sự tiện lợi của nó. Cách tốt nhất để giảm thiểu rác nhựa là phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân cũng như doanh nghiệp thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa.

           Ngay từ đầu năm học nhà trường đã tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, phát động phong trào chống rác thải nhựa sâu, rộng tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường nâng cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm, khuyến khích học sinh hạn chế sử dụng đồ dùng bằng túi nilon cốc chén, ống hút bằng nhựa….

            Tuyên truyền tại đơn vị không mua sắm, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động của mình; mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện việc giảm thiểu, tiến tới chấm dứt sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần. Trang bị thùng đựng rác trên hành lang,trong lớp học để thuận tiện cho phân loại, rác thải được đưa về nơi tập kết và vận chuyển đến nơi tái chế xử lý theo quy định.

            Ngoài ra, phòng chống tác hại của chất thải nhựa đã được cô và trò nhà trường lồng ghép, tích hợp vào các bài học, các buổi sinh hoạt, các hoạt động ngoại khóa của nhà trường…

            Để có hiệu quả, hình thức tuyên truyền cũng cần phong phú, đa dạng và nổi bật. Nhà trường có treo băng rôn, chạy khẩu hiệu tuyên truyền,  "Dùng chai lọ thủy tinh để đựng đồ thay cho chai lọ nhựa", "Không dùng đồ đựng thực phẩm bằng nhựa", "Không dùng vật dụng như đũa, muỗng, nĩa, chai, ly, hộp, ống hút...bằng nhựa dùng một lần", "Ưu tiên mua sản phẩm dùng trong hộp giấy thay vì hộp nhựa", "Bỏ rác đúng nơi quy định – hành động nhỏ, ý nghĩa lớn". Những khẩu hiệu trên sẽ có tác dụng trực tiếp tới giác quan và dần sẽ tác động đến nhận thức, hành động của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh dần từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, loại bỏ túi nilon và sản phẩm nhựa.

           Và chỉ có đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với tổ chức các phong trào chống rác thải nhựa thường xuyên, chúng ta mới thực hiện tốt phương châm mà Chính phủ đã nêu  "nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa" để xây dựng một xã hội với môi trường sanh, sạch, đẹp.

                                                                                                                          Bộ phận Y tế trường học

                                                             

                        

 


No comments yet. Be the first.

Others:
Mới nhất